Sự nghiệp điện ảnh Mizoguchi_Kenji

Giai đoạn 1920 – 1930

Năm 1920, sau một thời gian dài với nhiều công việc khác nhau, Mizoguchi Kenji bắt đầu sự nghiệp điện ảnh của mình. Ông được nhận vào Công ty Điện ảnh Nikkatsu, là một diễn viên, trợ lý đạo diễn Tadashi Oguchi.[7] Ba năm sau tức 1923, ông trở thành đạo diễn chính thức tại xưởng phim Nikkatsu, bắt đầu với Ai-ni yomigaeru hi (Ngày tình yêu trở lại, 1922), bộ phim điện ảnh đầu tiên của ông, giữa cuộc đình công của công nhân;[8] cốt truyện xoay quanh mối tình của người học trò một nghệ nhân làm gốm với cô con gái thứ xinh đẹp của thầy, song khi sắp diễn ra ngày cưới thì nhân vật nữ tự tử cùng một người đàn ông khác. Bộ phim sau đó được trình chiếu, bị cắt nhiều cảnh liên quan đến xung đột giữa nông dân và địa chủ, tư bản, bởi những ảnh hưởng mà nó mang lại cho tầng lớp lãnh đạo.[9]

Năm 1923, trận động đất Kantō diễn ra, ông chuyển tới xưởng phim Nikkatsu ở Kyōto. Có một khoảng thời gian phải tạm dừng công việc vì xô xát với Ichijo Yuriko, một gái mại dâm mà ông đang chung sống đã dùng dao lam để lại những vết thương ở lưng ông. Thời gian ở nơi cố đô này, ông dành sự chú tâm hơn cho nghệ thuật truyền thống, học hỏi Kabuki.[10] Đối với điện ảnh, trong giai đoạn 1920 – 1930, ông chủ yếu làm các tác phẩm thể loại chung với số lượng lớn, thường theo các đơn đặt hàng lấy đề tài trinh thám, đề tài về những kẻ đứng đường và đề tài tiểu thuyết thời đại Meiji, nhiều tác phẩm đã bị thất lạc ngày nay. Các bộ phim Kami-Ning-Yo Haru No Sasayaki (Những tiếng thì thầm mùa xuân của một con búp bê bằng giấy, 1926);[11] Jihi Shincho (Con chim thương cảm, 1927);[12] Tokai Kokyogaku (Bản giao hưởng của một thành phố lớn, 1929)[13] là những tác phẩm được tạp chí Kinema Junpo xếp vào các phim hay từ hạng một đến mười trong năm. Tokai Kokyogaku đã bộc lộ rõ nét quan điểm của ông: phim mô tả số phận của một người đàn bà là trò chơi của tỉ phú. Người đàn bà này gặp một công nhân trẻ yêu công lý, hai người quyết định trả thù kẻ tư sản. Khi thực hiện bộ phim xã hội này, ông cùng các cộng sự gặp nhiều trở ngại về việc vượt qua sự cấm đoán của xưởng sản xuất và việc điều tra truy hỏi của cảnh sát về kịch bản phim. Trong cùng thời, Mizoguchi Kenji và Kinugasa Teinosuke, Uchida Tomu đã đặt nền móng cho sự cách tân nền điện ảnh Nhật Bản, phá bỏ phong cách ước lệ sân khấu trước đó.[14]

Giai đoạn chiến tranh

Đạo diễn Goteken đang giám sát quay phim.

Từ năm 1930, Nhật Bản bắt đầu đẩy mạnh thời kỳ kiểm soát đất nước và bành trướng vị tri, mở màn là việc chiếm lĩnh Mãn Châu từ 1931, thành lập trục Berlin, Roma, Tokyo từ 1937. Đến 1939, chiến tranh bùng nổ, Đạo luật điện ảnh số 66 được ban hành,[15] quy định đưa điện ảnh Nhật Bản trở thành công cụ tuyên truyền phục vụ khối độc tài đế quốc.[16] Trong bối cảnh này, Mizoguchi Kenji kế nhiệm Murata Minoru, trở thành Giám đốc Hiệp hội Đạo diễn Nhật Bản,[17] vẫn tiếp tục làm phim tại hãng Nikkatsu lẫn Shinko, đi ngược lại quy phạm pháp luật, nổi bật nhất với hai phim Naniwa hika (Bản bi ca Naniwa, 1936)[18] và Gion no kyōdai (Chị em Gion, 1936) tiến hành tại xưởng phim độc lập của người bạn Nagata Masaichi.[19]

Naniwa hika là bức tranh chi tiết của một phụ nữ và bối cảnh xã hội nơi cô sống: cô gái trẻ, sau khi bỏ công việc điện thoại viên, trở thành vợ của một giám đốc công ty. Cha cô đã biển thủ một khoản lớn, cô bị tên chủ ruồng bỏ. Bộ phim mô tả số phận nghiệt ngã của một cô gái nghèo khổ, bị hủy hoại cả cuộc đời chỉ vì một lỗi lầm của người khác. Còn Gion no kyōdai mô tả cuộc đời của hai cô geisha ở khu Gion. Người chị tuân thủ những luật pháp của nền luân lý truyền thống, trung thành với chủ cũ dù đã bị phá sản. Em gái là thiếu nữ tân thời, thù ghét đàn ông, luôn tìm cách lợi dụng. Sau cùng, chị em gặp nhau trong bệnh viện: em gái bị gãy chân do người đàn ông bị cô lừa đảo gây ra; người chị bị chủ cũ bỏ rơi. Hai bộ phim đều được Kinema Junpo xếp vào top 10 phim hàng năm. Cả hai bộ phim đều được xây dựng trong số vốn ít và điều kiện khó khăn vào lúc đó, về sau được các nhà phê bình đánh giá cao, cho rằng đã tạo ra hài hòa giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự nhiên. Song, giới quân phiệt đã tỏ thái độ cảnh cáo khiến ông phải dừng chủ đề này, rút lui và làm những bộ phim khác nói về đời sống diễn viên, phim chính kịch. Tuy nhiên, mối quan tâm đối với số phận con người trong xã hội của ông vẫn tồn tại và được chuyển sang cách thể hiện khác. Các bộ phim Zangiku monogatari (Chuyện hoa cúc nở muộn, 1939);[20] Naniwa Onna (Người đàn bà Naniwa, 1940);[21] Geido Ichidai Otoko (Cuộc đời của một người hy sinh cho nghệ thuật, 1941);[22] Genroku chūshingura (47 Rōnin, 1942);[23] Yoru no onnatachi (Những người đàn bà của đêm, 1948)[24] tiếp tục lọt vào top 10 hàng năm.[25] Về hoạt động thực hiện điện ảnh, ông đã phối hợp cùng các đạo diễn, nhà làm phim trong và ngoài nước như Kurosawa Akira, Orson Welles, Shinoda Masahiro, Shindo Kaneto, Jean-Luc Godard, Andrei Tarkovsky, Jean-Marie Straub, Victor Erice, Jacques RivetteTheo Angelopoulos.[26]

Thập niên 50

Mizoguchi Kenji thập niên 50.

Năm 1945, chiến tranh kết thúc, Nhật Bản đầu hàng, bị chiếm đóng cho đến năm 1952, tới kỷ nguyên hồi phục đất nước. Sau giai đoạn chiến tranh tạm dừng các tổ chức điện ảnh trong nước (1943 – 1949), ông tiếp tục là Giám đốc Hiệp hội Đạo diễn Nhật Bản khi hội trở lại hoạt động (1949 – 1955).[27] Vào thời kỳ này, Mizoguchi Kenji đã trải qua sự nghiệp dài với nhiều chiêm nghiệm, cùng với tác động của căn bệnh từ thiếu niên, ông bước vào giai đoạn cuối đời. Và đây cũng là lúc Mizoguchi Kenji liên tiếp xây dựng và tung ra những bộ phim làm chấn động nền điện ảnh thế giới. Đó là các bộ phim Saikaku ichidai onna (Cuộc đời của người kỹ nữ Oharu, 1952) được đề cử Sư tử Vàng và nhận Giải Quốc tế ở Liên hoan phim Venezia 1952,[28] giải Mainichi Film Awards 1953;[29] Ugetsu monogatari (Những câu chuyện dưới ánh trăng mờ sau cơn mưa hay Bạch Xà Nương, 1953),[30] giải Sư tử Bạc 1953; Sanshō dayū (Viên quản lý Sansho, 1954), giải Sư tử Bạc 1954.[31] Ông đã đoạt giải liên tiếp trong ba năm liền ở Liên hoan phim Venezia, góp phần giúp điện ảnh Nhật Bản vươn tầm ra thế giới.[28][32]

Saikaku ichidai onna trình bày sự thất thế xã hội của một bậc phu nhân quyền quý, kết thúc bằng việc trở thành gái điếm hạng tồi, rồi phải đi ăn xin.[33] Ugetsu monogatari nói về bi kịch của hai người phụ nữ, khi chồng của họ vì dục vọng đã chạy theo những ảo ảnh về sắc đẹp và danh thế. Sanshō dayū đề cập đến sự sa sút, phân rã của một gia đình quý tộc: người cha cai quản lãnh địa, đã đứng về phía phong trào nông dân rồi bị lưu đầy; vợ và hai con bị bọn buôn bán nô lệ bắt cóc. Cuối cùng, vào nhiều năm sau, cậu con trai lớn tìm lại được mẹ mình thì bà đã bị bán làm gái điếm, trở thành mù lòa, hành khất.[34] Akasen Chitai (Đường phố sỉ nhục, 1956) mô tả cuộc đời của năm cô gái điếm tại một khu buôn bán hương phấn ở Tokyo, trong tình cảnh xảy ra sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi mà Quốc hội Nhật Bản đang thảo luận về Luật Cấm hành nghề mại dâm.[35]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mizoguchi_Kenji http://cantic.bnc.cat/registres/CUCId/a11217121 http://www.kinenote.com/main/public/cinema/person.... http://catalogo.bne.es/uhtbin/authoritybrowse.cgi?... http://data.bibliotheken.nl/id/thes/p068941714 http://mak.bn.org.pl/cgi-bin/KHW/makwww.exe?BM=1&N... https://catalogue.nla.gov.au/Record/828569 https://trove.nla.gov.au/people/985717 https://www.criterion.com/boxsets/571-eclipse-seri... https://www.criterion.com/current/posts/915-osaka-... https://www.criterion.com/films/969-women-of-the-n...